[KTTH - LTPH] Chương 6

Chương 6
 Tác giả: Thương Hải Di Mặc
Người dịch: Triều Ca.
Cố vấn: Phi Thiên.

(bản dịch đã được chỉnh sửa theo bản mới của nguyên tác)


Bàn tay trắng nhợt. Những ngón tay thon dài, nhỏ nhắn, tinh tế, năm móng tay hình cung trắng tái đều tăm tắp, vừa có cảm giác ôn nhu của nữ tử, vừa ẩn hiện nét cứng cỏi kiên định của bậc nam nhi.... Rất hữu lực!






Thọ thần lục tuần của hoàng đế Đại Khánh, thiết yến ở Tụ Hiền điện.

Lễ mừng thọ của hoàng thượng, yến tiệc linh đình xa hoa, cũng tự nhiên quần tụ đầy đủ các nhân vật khinh trọng trong triều. Sứ thần đến từ các nước bang giao, vương công quý tộc xuất thân gia thế, đại thần quan lại chức cao quyền trọng, quý phi mỹ nhân nhan sắc hơn người,... đều lần lượt xuất đầu lộ diện, ra ra vào vào hoàng thành đông như trẩy hội. Thế cuộc khoa trương như thế khiến cho thị vệ hoàng cung cũng đặc biệt chú tâm hơn ngày thường. Thị vệ trấn giữ môn cung được điều động từ những tinh binh tinh nhuệ nhất của Ngự Lâm quân. Lúc này, không khí khẩn trương không khác gì đại quân chuẩn bị lâm trận, kỹ càng tra xét tất cả những nhân vật ra vào, không chút khinh suất lơ là.

Một cỗ kiệu bát phong bất động (1) từ đâu bỗng lừng lững xuất hiện, tiến thẳng về phía môn cung.

"Gượm đã! Người đang tới là ai?". Đầu lĩnh thị vệ (2) lập tức xấn thương ngăn lại, lớn tiếng xét hỏi.




Bốn người phu nâng kiệu trên người mặc toàn y phục đen tuyền cũng chậm rãi dừng bước. Lưng chừng ở khoảng không, cỗ kiệu trắng bất động trên vai bọn họ không dưng tạo cho người xem một cảm giác tĩnh tại như núi nhưng đồng thời cũng phiêu dật như gió. Bốn khuôn mặt giấu kín phía sau chiếc đấu lạp hắc sa (3), chỉ lộ ra ánh mắt sắc lạnh nhìn thẳng về phía trước, dáng vẻ thần bí khó lường, từ trên người lại tỏa ra một lọai khí thế bất phàm, chỉ thoáng nhìn qua đã biết được mỗi người trong bọn họ đều một thân tuyệt học. Dạng nhân vật nguy hiểm như vậy, chẳng trách sao bọn thị vệ lại không cẩn trọng đề phòng!

Theo hầu trước sau hai bên cạnh cỗ kiệu là một tiểu đồng dáng vẻ khả ái hân hoan và một đại hán trầm mặc hiền hòa. Trước sự ngăn trở của bọn thị vệ, tiểu đồng thoáng chớp mắt ngạc nhiên, sau đó bước về phía trước, lấy ra một lệnh bài thông hành. "Đây là lệnh bài của công tử nhà chúng ta, thỉnh thị vệ đại ca hãy cho qua."

Vừa nói, ánh mắt vừa lấp lánh một ánh cười, toát ra vẻ khả ái khiến người ta vừa nhìn qua đã sinh lòng cảm mến.

Đầu lĩnh thị vệ hành động cẩn trọng, tỉ mỉ kiểm tra lệnh bài vừa nhận được, song vẫn không phát hiện ra điều gì bất thường.

Từ đầu đến cuối, nhân vật ở bên trong cỗ kiệu không ra mặt, cũng không một lời lên tiếng.

Có chút ngờ vực, đầu lĩnh thị vệ ném cái nhìn dò xét về phía bóng người thấp thoáng sau lớp rèm trắng, trầm giọng nói. "Quy củ của hoàng cung, mọi người khi ra vào đều phải xuống ngựa hạ kiệu, cước bộ vào thành!"

Vẫn gương mặt tươi cười nọ, tiểu đồng nhẹ nhàng đáp lời. "Công tử nhà chúng tôi đi lại không tiện, không thể xuống kiệu."

Đầu lĩnh thị vệ vừa nghe qua đã buông tiếng cười giễu. "Chỉ giỏi hoa ngôn xảo ngữ (4), có cái gì mà đi lại không tiện, nói thế, công tử nhà ngươi là kẻ tật nguyền đã bị phế bỏ cả hai chân hay sao?!"

Những lời này chỉ vừa thốt ra khỏi miệng, đã thấy một thân người phía sau kiệu lắc nhẹ. Đầu lĩnh thị vệ chỉ thấy trước mắt bất giác tối sầm --- "Chát chát!" hai tiếng vang lên khô khốc, hai bên má y đã lãnh trọn hai cái tát của người kia.

Còn chưa kịp trấn tĩnh lại, yết hầu y đã bị bóp chặt bởi một gọng kiềm rắn như thép. Không ai khác hơn ngoài Lao thúc, lúc này chỉ cười lạnh mà rằng. "Dám bất kính đối với công tử, đáng chết!"

"Lao thúc." Phía sau tức khắc truyền đến thanh âm của một người thiếu niên, trong trẻo nhưng lạnh lùng. Trong giọng nói có một sự cao quý và u trầm khiến người khác khó lòng kháng lại, "Nơi đây là hoàng thành trọng địa, không được giết người."

Lao thúc thu tay lùi về sau, kính cẩn cúi đầu đáp. "Rõ, thưa công tử."

"Đã xảy ra chuyện gì?" Vừa lúc đó, xuất hiện một cỗ xe ngựa trang trí cực kỳ hoa lệ được một đám đông người hầu kẻ trước người sau, tiền hô hậu ủng tiến về phía cửa cung. Giọng nói uy nghiêm vừa rồi chính là từ nơi này truyền ra. Cỗ xe ngừng lại, một lão ông dáng người cao gầy nho nhã bước xuống. Quan bào triều phục thêu hoa văn tỳ hưu (5) màu đỏ sậm, cẩm y ngọc đái, khí chất vừa cao quý vừa có phong thái của bậc thâm niên đọc sách thánh hiền.

"Lâm thừa tướng!". Bọn thị vệ gặp được vị cứu tinh, mừng rỡ hành lễ. Người vừa tới đích thực là phụ thân của Lâm Y Y, đương triều tả thừa tướng --- Lâm Văn Chính!

"Ra là Lâm thừa tướng." Lần thứ hai người trong kiệu lên tiếng. Cửa mành chỉ khẽ động, lộ ra một bàn tay trắng như ngọc đưa lên giật nhẹ dây----

Bàn tay trắng nhợt.

Những ngón tay thon dài, nhỏ nhắn, tinh tế, năm móng tay hình cung trắng tái đều tăm tắp (6), vừa có cảm giác ôn nhu của nữ tử, vừa ẩn hiện nét cứng cỏi kiên định của bậc nam nhi.... Rất hữu lực!

Chỉ một đôi tay thôi lại mang đến cảm giác vô cùng mạnh mẽ, lợi hại, trong kiên quyết ẩn dấu một sức mạnh uy hiếp, nguy hiểm ẩn tàng, đồng thời cũng rất bất khuất, quật cường, kiên trung xác tín, kiệt ngạo bất tuân*. Nhất cử nhất động tràn đầy kình đạo. (7)

Ngón tay dù mềm mại, nhưng mu bàn tay lại cứng cỏi vững vàng, động tĩnh giai phong vân.

Chỉ một cử chỉ nhẹ nhàng vén mành, đã giống như đem cả thiên hạ thu vào trong tay mình.

Hết thảy bọn thị vệ đều ngây ra mà nhìn. Không ai không muốn biết, chủ nhân của một đôi tay như thế thật ra là một người như thế nào.

Mành kiệu được vén ra một góc.

Bên trong, giữa chiếc tọa ỷ phủ vải nhung trắng, là một bạch y thiếu niên mặc trên người bộ quan bào có thêu hoa văn li vẫn (8).

Thần thái y tịch mịch, đơn độc ngồi ở nơi đó, như thể đã tồn tại cùng với sơn hà tuế nguyệt tự bao giờ, âm trầm lặng lẽ, trường bào vân tụ, phong tĩnh ôn điềm, nhưng lại tỏa ra một sát khí lạnh lùng khiến người ta phải kiêng dè thở khẽ.

Lâm thừa tướng nở một nụ cười. "Quả nhiên là công tử." Ông phác tay về phía bọn thị vệ, "Mau mau cho đi!". Lệnh của thừa tướng đã ban ra, bọn họ lẽ nào còn dám ngăn trở, gấp rút lui về hai bên, nhường đường.

Phía trong kiệu, thiếu niên khẽ cúi người. "Đa tạ Lâm thừa tướng." Bàn tay trắng nhợt khi nãy lại nhẹ nhàng đưa qua thêm một lượt, khép kín mành.

Khởi kiệu, vào thành.

Ngay cả khi kiệu đã đi qua, ánh mắt người ở nơi đó vẫn chằm chằm dán chặt vào nó. Mãi cho đến khi chóp đỉnh trắng tinh của cỗ kiệu phất phơ biến mất ở góc quanh hành lang, đầu lĩnh thị vệ mới có thể thu ánh mắt về.

Đến khi đã định thần lại rồi, mới chợt phát giác ra bản thân không cách nào miêu tả được gương mặt của người thiếu niên nọ. Càng cố gắng nhớ lại, mọi thứ càng dần mơ hồ hơn, cuối cùng chỉ còn đọng lại trong lòng một cảm giác duy nhất, cả đời cả kiếp.

"Thừa tướng, vị công tử kia phải chăng là..." Đầu lĩnh thị vệ bất tri bất giác lặp lại đúng cách xưng hô vừa nãy của Lâm Văn Chính. Lão thừa tướng điềm nhiên mỉm cười, tay vuốt nhẹ chòm râu. "Kẻ có thể khiến cho lão phu kính xưng một tiếng ‘công tử’, thử hỏi trong thiên hạ này còn ai vào đây?"

Đầu lĩnh thị vệ trợn tròn mắt!

Trong thiên hạ kẻ có thể khiến cho Lâm Văn Chính kính xưng một tiếng 'công tử', chỉ có một người, duy nhất một người, đó phải là-----

Vô Song công tử, Tiếu Khuynh Vũ!





Lúc Tiếu Khuynh Vũ nhìn thấy Phương Quân Càn, cũng vừa lúc hắn đang cùng với một đám người thuộc dòng dõi vương tôn quý tộc rôm rả nói chuyện phiếm. Thân người hờ hững tựa vào cây cột lớn ở đại điện, khóe môi nhênh nhếch cười, nhãn thần nửa phần khinh bạc nửa phần cổ súy, toát ra một vẻ tà mị khuấy động lòng người. Còn bọn người đang xúm xít bên cạnh hắn, cũng tựa như đám tinh tú vây quanh vầng trăng sáng trên trời, một lòng thuần phục. Trên đời này vốn vẫn có một dạng người như vậy, vô duyên vô cớ mà tỏa ra một hấp lực lạ thường, dẫn dụ người tài chúng nhân đến bên cạnh mình. Quả rằng, Phương Quân Càn Phương tiểu hầu gia lại là kẻ nổi bật hơn người trong số đó.

Nhuyễn kiệu đã sớm đổi thành luân y, lúc này Tiếu Khuynh Vũ đang được Lao thúc đẩy đi về phía Ngự Hoa Viên. Phương Quân Càn phát hiện ra Tiếu Khuynh Vũ, từ xa hướng về hắn gật gật đầu, cười một cách đầy ý tứ.

Sự xuất hiện của Tiếu Khuynh Vũ không khiến hắn ngạc nhiên. Nhưng bộ triều phục y đang mặc trên người lại khiến hắn trong một thoáng phải sững sờ.

Trên tóc Tiếu Khuynh Vũ buộc một cái tử kim quan theo kiểu song long hí châu(9), dây lụa phía trên dài quá tai, nhẹ nhàng rủ xuống trước ngực. Trên người mặc triều phục trắng dệt bằng tơ lụa điểm trang hoa văn li vẫn (9), tay trái mân mê nhẹ nhàng cuộn vòng kim tuyến trong tay phải, khí độ ung dung đường hoàng, tư thái tiêu sái phiêu dật. Nếu như nói Tiếu Khuynh Vũ ngày thường là một bậc công tử phong lưu tao nhã giữa chốn nhân gian, có thể đối rượu luận kiếm, say sưa vui vẻ một phen, thì Tiếu Khuynh Vũ ngay lúc này đây, trong cái ôn nhu thanh nhã lại tự có một khí độ hiên ngang, khí thế quý phái ép người, không nộ mà vẫn có uy.

Phương Quân Càn nhìn ra được, bộ triều phục trên người Tiếu Khuynh Vũ, ngọai trừ sự khác biệt về màu sắc và đường thêu hoa văn, về kiểu dáng và phẩm chất cùng với bộ triều phục của Thừa tướng Lâm Văn Chính chính là y hệt như nhau.

Trên đời này vốn chỉ có hai bộ triều phục như thế. Một bộ dành cho Tả thừa tướng Lâm Văn Chính, bộ còn lại đã sớm được thánh thượng ban cho "Sơn Trung Thừa Tướng".

Vị Sơn Trung Thừa Tướng này, nguyên lai chính là Hữu thừa tướng của Đại Khánh, nhưng thay vì thiết tha với việc thượng triều lại chỉ một lòng gửi gắm tâm tư vào điền viên sơn thủy. Ngay cả quan võ bá văn trong triều cũng chẳng mấy ai từng diện kiến qua dung mạo của y. Nhưng phàm là những vấn đề nan giải Đại Khánh không có cách giải quyết hay đối sách quan trọng bàn thảo mãi mà chẳng xong, tất sẽ cho người đến gõ cửa thỉnh giáo cao kiến của y. Dựa vào tính cách quái lạ ấy, nhiều năm ẩn cư mãi chẳng lộ diện, mọi người đã nhất nhất xưng cho y một cái tên gọi là "Sơn Trung Thừa Tướng"(10).

Về phần Tiếu Khuynh Vũ, nhìn thấy Phương Quân Càn chào hỏi mình, cũng ngầm hiểu ý gật đầu đáp lại, sau đó thì bảo Lao thúc đưa mình đi nơi khác, tránh tai mắt chú ý của đám người kia.

Bởi vì hai người bọn họ, tâm ý đã hoàn toàn tương thông lẫn nhau. Tự biết rằng, nếu để cho kẻ khác biết được mối giao hảo giữa đôi bên, cũng chính là tự chuốc lấy những phiền toái không cần thiết.

Vì thế mà Phương Quân Càn sau cái chào vẫn chỉ lẳng lặng im tiếng. Và vì thế mà Tiếu Khuynh Vũ sau cái gật đầu đáp lại cũng chỉ nhàn nhã rời đi.

Bóng dáng Tiếu Khuynh Vũ dần đi xa, cái nhìn của Phương Quân Càn vẫn không hề suy chuyển, trong nhãn thần có chút đăm chiêu pha lẫn hứng thú.

Thật sự không thể nào tưởng tượng ra được, Vô Song công tử Tiếu Khuynh Vũ chính là Hữu thừa tướng của Đại Khánh ta.


-------

Quân sư chú thích:

(1) Bát phong bất động: có nguồn gốc từ “Bát phong xuy bất động” (tám gió thổi không động).

Tám ngọn gió ấy chính là:

1) Lợi
Khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, tốt đẹp như có người tạo điều kiện, giúp đở phương tiện vật chất hay tinh thần, tâm không khởi niệm yêu thích hay không khởi tâm ngã mạn cho rằng mình tu hành cao mà được như vậy.

2) Suy
Khi gặp cảnh bất như ý, hoàn cảnh sa sút, mất mát người thân, không khởi tâm buồn khổ, sầu bi, chán nãn.

3) Vui
Tâm thản nhiên trước những thú vui, dục lạc của thế gian.

4) Khổ
Tâm an nhiên khi bị những khổ nạn như bị người khác đàn áp, ức hiếp, hay chèn ép v….v. Tâm không khởi niệm sân hận hay mong muốn trả thù.

5) Vinh
Tâm không bị mê hoặc bởi những lời tán thán, ca ngợi, đề cao

6) Nhục
Tâm hành giả không bị chao đão trước những lời hạ nhục, hũy báng danh dự, nhân phẩm, đạo đức, uy tín.

7) Khen
Tâm không dính mắc trước những lời xưng tụng, tán thán, khen ngợi của người khác

8) Chê
Tâm không bị lay động bởi những lời chê bai, bài bác, chỉ trích, nói xấu của người khác.

Hành giả chưa được tự tại trước bát phong vẫn phải không ngừng tinh tấn tu tập và luôn dùng 8 ngọn gió này để kiểm tra tâm mình.

Ngoài ra, "bát phong xuy bất động" còn liên quan đến một giai thoại vui, thâm thúy và tràn đầy thiền vị về mối thâm giao giữa thi hào Tô Đông Pha (1037-1101) và Thiền sư Phật Ấn (1032-1098).
(Xem thêm ở đây: http://www.giacngo.vn/tuvan/2008/07/06/57561A/)

Ở đây, sử dụng đến cụm từ "bát phong bất động" này, người dịch cho rằng tác giả muốn nói đến cái thế xuất hiện và di chuyển vững vàng, kiên định của cỗ kiệu của Vô Song công tử, nên đã mạo muội dùng từ "lừng lững" để diễn tả cái ý đó.



(2)Nguyên văn 侍卫长: thị vệ trưởng, đại thị vệ, đầu lĩnh thị vệ, thủ lĩnh thị vệ,...

(3)Đấu lạp hắc sa: chiếc nón rộng vành có một lớp vải che mặt mà nhân vật đi lại trên giang hồ thường dùng để che giấu thân phận hay ngụy trang.

(4) Nguyên văn “nha tiêm chủy lợi”: răng bén mồm nhọn, ý chỉ miệng lưỡi khéo ăn nói. Câu thành ngữ tương đương bên tiếng Việt ta có lẽ là "mồm năm miệng mười". Ở đây, dùng "hoa ngôn xảo ngữ" vì muốn giữ lại không khí cổ trang về mặt từ ngữ cho đoạn văn.

(5)Tỳ hưu: cũng như Li vẫn, là một trong chín loại thần thú con của rồng. Đầu như Kỳ Lân, có một sừng, thân của gấu, có cánh trên lưng. Tỳ hưu một sừng là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu quái, ma quỷ nên còn gọi là con Tịch Tà. Loại Tỳ Hưu hai sừng là loài chuyên hút vàng bạc, châu báu trong trời đất nên được cho là con vật giữ tài lộc hay còn gọi là Thiên Lộc.

Xem thêm ở Đây






(6)Nguyên gốc: móng tay hình lăng (hình củ ấu). Là một cách so sánh hình dạng móng tay trong tiếng Hoa, được chuyển qua ‘hình cung’ cho phù hợp với cách so sánh của tiếng Việt.

*Kiệt ngạo bất tuân: “桀骜不驯” – “kiệt ngao bất tuần”
Trong đó:
[桀] (HV: kiệt) Nghĩa chính là vua Kiệt, nghĩa bổ sung là ‘kiệt’ trong ‘kiệt xuất’.
[骜] (HV: ngao) Nghĩa chính là chỉ ngựa bất kham, nghĩa bổ sung là ‘ngạo’ trong ‘cao ngạo’.
Xuất phát từ điển tích về con ngựa bất kham của vua Kiệt, ví người tài giỏi quật cường như mãnh mã (ngựa khó thuần thường là ngựa cực tốt), có sức mạnh, tự lập tự cường, không ai sai khiến, kiềm hãm được.
(Thông tin từ Tần)

(7)Phần từ ngữ miêu tả ở đoạn này đã được cố ý sắp xếp lại, để những từ gần nghĩa ở gần nhau, đồng thời cũng lựa chọn những từ hợp với tính chất của Khuynh Vũ, vì đoạn này vốn là tả tay của Vô Tình (nguyên tác: Ôn Thụy An)

(8)Li vẫn: còn gọi là Si Vẫn, Si Vĩ: có đầu rồng, thân ngắn, miệng trơn họng to, rất thích nuốt các vật lớn, lại có thể phun nước làm mưa. Vì thế Si vẫn được tạc trên nóc nhà, cung điện cổ, chùa chiền, đền đài... ngụ ý cầu trấn hỏa để phòng hỏa hoạn, khác với Trào phong là đầu quay vào trong, nuốt lấy xà nhà hoặc bờ nóc. (nguồn: http://my.opera.com/free-thinking/blog/show.dml/4424588)
 




(9)Song long hí châu: hai con rồng giỡn viên ngọc, đây là một hình thức trang trí thường gặp trong kiến trúc, trang phục xưa. Tử kim quan là chiếc mũ làm từ vàng tốt (vàng nguyên chất a? ' ')



(10)Sơn Trung thừa tướng: vị thừa tướng ẩn trong núi, danh xưng có hàm ý trêu chọc vị Hữu thừa tướng ít khi thượng triều này ^^

0 comments:

Post a Comment